Hội thảo kết nối các doanh nghiệp bền vững: Hệ sinh thái tái chế

Ngày 7/12/2024 Khoa Môi Trường – Trường Đại học Khoa học tự nhiên – ĐHQG-HCM cùng đơn vị đồng hành Công ty Cổ phần Xi măng Tây Ninh (Fico-YTL) đã tổ chức thành công Hội thảo “Hệ sinh thái tái chế: Kết nối các doanh nghiệp bền vững”. Hội thảo hân hạnh được đón tiếp đại diện Hiệp hội tái chế Chất thải Việt Nam, các công ty khách mời Công ty Cổ phần Giải Pháp Dệt May Bền Vững (STS), Công ty Môi trường Á Châu, Công ty DUYTAN Recycling và sự tham gia nhiệt tình của hơn 140 giảng viên, sinh viên đến từ Khoa Môi Trường và các đơn vị khác.


Bên cạnh những chuyên đề thiết thực, các bạn sinh viên còn được trực tiếp tìm hiểu, tiếp cận các sản phẩm tái chế, nhận những phần quà ý nghĩa từ các doanh nghiệp. Nhiều đơn vị cũng chia sẻ về các cơ hội thực tập và việc làm tại công ty.

Tại Hội thảo Bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ đại diện Công ty Môi trường Á Châu có báo cáo chia sẻ về chủ đề “Phân loại rác tại nguồn trong kinh tế tuần hoàn hướng đến mục tiêu “không chôn lấp”. Đây là một vấn đề quan trọng trong chiến lược quản lý chất thải bền vững. Với khối lượng rác tăng nhanh chóng như hiện nay, việc phân loại rác là một bước đầu tiên trong chuỗi xử lý rác thải bằng phương pháp tái chế.  

Bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, đại diện Công ty Môi trường Á Châu trình bày tại Hội thảo

Một chủ đề nóng tại Việt Nam và trên thế giới là ô nhiễm rác thải nhựa cũng được Ông Lê Viết Đông Hiếu, Trưởng phòng Marketing & Phát triển bền vững, DUYTAN Recycling chia sẻ trong phần trình bày “Tái chế bao bì và sản phẩm nhựa trong bối cảnh Kinh tế tuần hoàn”. Tại Việt Nam, Duy Tân và Recycling là đơn vị có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giải pháp tái chế bao bì và sản phẩm nhựa. Báo cáo chia sẻ những kinh nghiệm thực tế từ công nghệ, hệ thống, các hoạt động công ty đã thực hiện và ghi dấu ấn trên hành trình bảo vệ môi trường & góp phần tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

“Tái chế bao bì và sản phẩm nhựa trong bối cảnh Kinh tế tuần hoàn” – Ông Lê Viết Đông Hiếu, Trưởng phòng Marketing & Phát triển bền vững, DUYTAN Recycling

Thời trang là 1 ngành công nghiệp phát sinh ra lượng rác thải rất lớn. Chuyên đề thứ 3 với chủ đề “Tái chế vải sợi và các tiêu chuẩn dệt may tái chế” qua phần trình bày của Bà Nguyễn Ngọc Khánh Nhật (Judy Nguyễn), CEO Công ty CP Giải Pháp Dệt May Bền Vững (STS). Việc tái chế vải sợi không chỉ giúp giảm áp lực lên môi trường mà còn là giải pháp để phát triển ngành công nghiệp dệt may bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh ngày càng khắt khe trên thế giới.

“Tái chế vải sợi và các tiêu chuẩn dệt may tái chế” qua phần trình bày của Bà Nguyễn Ngọc Khánh Nhật (Judy Nguyễn), CEO Công ty CP Giải Pháp Dệt May Bền Vững (STS)

Ông Nguyễn Trọng Thiên, Quản lý Kinh doanh Dịch vụ Xử lý chất thải, Công ty CP Xi măng Tây Ninh (Fico-YTL) chia sẻ tiềm năng của giải pháp “đồng xử lý chất thải” dành cho các thành phần chất thải chưa có những công nghệ phù hợp để tái chế. Tập đoàn YTL tiên phong tạo dựng “một tương lai không chất thải” thông qua hoạt động Geo Alam Environmental. Giải pháp “đồng xử lý chất thải” HEVEA đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực phát triển bền vững của Fico-YTL. “Tại HEVEA, chất thải được xem như là tài nguyên, được xử lý đúng cách để góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và không chôn lấp”. Dịch vụ đồng xử lý chất thải của công ty Fico-YTL được triển khai thực hiện cho nhiều đối tác lớn tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Trọng Thiên, Quản lý Kinh doanh Dịch vụ Xử lý chất thải, Công ty CP Xi măng Tây Ninh (Fico-YTL) chia sẻ về giải pháp “đồng xử lý chất thải”

Bà Nguyễn Ngọc Khánh Nhật, đại diện Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam, cũng đã chia sẻ về kế hoạch xây dựng bộ dữ liệu hệ sinh thái tái chế. Bộ dữ liệu này nhằm mục tiêu kết nối các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đa dạng, tạo điều kiện phát triển bền vững và nâng cao khả năng tái chế tại Việt Nam. Đây là một bước tiến quan trọng để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Phần thảo luận với sự tham gia nhiệt tình của sinh viên kéo dài hơn 45 phút so với dự kiến. Các diễn giả không chỉ giải đáp các câu hỏi chuyên môn mà còn nhấn mạnh ý thức bảo vệ môi trường, cổ vũ sinh viên trân trọng và gắn bó với ngành Môi trường – một ngành nghề ý nghĩa và triển vọng.

Lời cảm ơn:
Trân trọng cảm ơn Công ty cổ phần Xi măng Tây Ninh (Fico-YTL) đã đồng hành và các doanh nghiệp đã dành thời gian quý báu để tham gia hội thảo. Sự thành công của Hội thảo là nhờ sự kết nối và chia sẻ nhiệt tình từ các quý công ty và tất cả người tham gia.